Tổng Bí thư Lê Duẩn (1907 - 1986), một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh – nhà chiến lược cách mạng, thao lược quân sự với những phẩm chất và tài năng kiệt xuất của dân tộc ta. Tưởng nhớ 37 năm ngày mất của Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng là dịp chúng ta khơi dậy, tôn vinh và noi gương một nhân cách lớn để suy ngẫm, xác định trách nhiệm, nghĩa vụ đối với đất nước trong hiện tại và tương lai. Trong dịp này, thể theo nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các văn nghệ sĩ, con cháu trong gia đình và được sự ủng hộ của nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Đoàn Văn công quân khu VII phối hợp cùng Nhà hát ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen tổ chức Chương trình Nghệ thuật tưởng nhớ Tổng Bí thư Lê Duẩn vào tối ngày 9/7 tại Nhà hát TP. Hồ Chí Minh. 

e642accd-816c-4f3f-a571-763f524adfa8-1688513403.jpeg

Khắc ghi tên Người - Bác Ba Lê Duẩn

Theo đó, Chương trình nghệ thuật đặc biệt xuyên suốt chương trình, bằng tiếng nói nghệ thuật, quá trình hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Lê Duẩn hiện lên thật hào hùng, bi tráng và cao đẹp. Từ những năm tháng ông ở quê hương đến những năm tháng hoạt động trên mảnh đất Nam bộ mà ông là Bí thư Khu ủy, rồi đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử... được tái hiện một cách sinh động nhất. Đặc biệt, tình cảm yêu thương vô bờ bến của người dân Nam bộ và nhân dân ta với đồng chí Lê Duẩn - Bác Ba yêu quý - được thể hiện đầy xúc động qua mỗi lời ca, tiếng hát. Sen Đồng Tháp như càng tươi thắm hơn, tên tuổi Bác Ba Lê Duẩn như càng lung linh hơn trên miền sông nước Cửu Long.

Trong đó, ca khúc "Khắc ghi trên Người - Bác Ba Lê Duẩn", nhạc Ngọc Khuê, thơ Lê Khánh Hưng do Thượng tá, NSƯT Hương Giang - Giảng viên Khoa Thanh nhạc Trường Văn hoá Nghệ thuật Quân đội trình bày được đánh giá là một trong những tác phẩm ấn tượng của đêm diễn. 

Nhạc sĩ Ngọc Khuê xúc động khi nghĩ về cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, người đã cống hiến cả đời mình cho sự nghệp Cách mạng của Đảng, của đất nước Việt Nam ta. Ông đã chủ động đặt vấn đề với tác giả bài thơ anh Lê Khánh Hưng (cháu nội Tổng Bí thư) để phổ nhạc bài thơ này. 

445dc68b-b0b0-4113-9259-cceb2ef8ab07-1688515011.jpeg

Với nhạc sĩ Ngọc Khuê, ca khúc "Khắc ghi trên Người - Bác Ba Lê Duẩn" là tiếng nói thế hệ cháu con chúng tôi với Tổng Bí thư Lê Duẩn yêu quý, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta. Chính vì vậy, về phần âm nhạc phải đặt ra yêu cầu làm sao đem lại sự xúc động lớn cho người nghe. Khán thính giả không chỉ là những người trong gia đình, dòng tộc của Tổng Bí thư Lê Duẩn, mà là cho tất cả mọi người – những người chiến sĩ Cộng sản, những người Đảng viên và những người dân yêu nước thương nòi.

"Đối với cố Tổng Bí thư Lê Duẩn thì có thể nói là cả nước đều trân quý ông, thấy được công lao to lớn của ông đối với sự nghiệp Cách mạng của dân tộc. Còn trong bài ca, tôi thấy cần phải nhấn mạnh vào mấy chi tiết như: Đối với Cách mạng miền Nam ta, trong những năm cực kỳ gian lao và anh dũng, cũng chính vì thế mà đồng bào đồng chí miền Nam đã gọi đồng chí Lê Duẩn với một cái tên thân thuộc là Anh Ba, là Bác Ba Lê Duẩn...", Nhạc sĩ Ngọc Khuê tâm sự.

Ca khúc dựa trên chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh, lấy hơi hướng của dòng dân ca đã bao đời thấm trong tim bao người ấy để phổ nhạc cho bài thơ, tạo được dấu ấn nhất định trong lòng người nghe nhạc. Bài hát được viết theo thể 2 đoạn đơn, đoạn B là phát triển của A, nhưng cũng không xa rời với A để tạo sự nhất quán. 


Đặc biệt là đoạn CODA để kết của ca khúc đã cho giai điệu dâng lên, tạo thành những nốt cao sở trường của NSƯT Hương Giang - Thượng tá, Giảng viên trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Sở hữu chất giọng nữ cao trữ tình (Soprano); cách hát tinh tế; giọng ca linh hoạt khi xử lý các tác phẩm như dòng chính ca, ca khúc mang âm hưởng dân ca hay các Aria, Romane đều được Hương Giang xử lý ấn tượng. Chính vì vậy, với ca khúc "Khắc ghi trên Người - Bác Ba Lê Duẩn", NSƯT Hương Giang thể hiện ngọt ngào, sâu lắng, sáng tạo trong cách luyến láy ca khúc đặc biệt này, một ca khúc xuất sắc về một lãnh tụ của Đảng là đồng chí Lê Duẩn!