Vừa qua, Chuyên trang Hội nhập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển phối hợp cùng một số cơ quan tổ chức thành công sự kiện "Diễn đàn trực tuyến Hà Nội 2021 - Kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn”. Sự kiện đã mang lại ý nghĩa thiết thực đối với người sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP, nông sản thực phẩm an toàn trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Tại sự kiện, lần đầu tiên, lãnh đạo của các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội trực tiếp livestream bán hàng và giới thiệu các sản phẩm OCOP, nông sản, thực phẩm an toàn của chính địa phương mình đến người tiêu dùng trên địa bàn thành phố. Cách quảng bá này đã tạo ấn tượng và niềm tin không nhỏ từ người tiêu dùng. Một lượng lớn đơn đặt hàng, cùng các kết nối giao dịch giữa các nhà sản xuất và nhà bán lẻ đã được thực hiện tại diễn đàn, góp phần đưa sản phẩm OCOP, nông sản, thực phẩm an toàn đến thời vụ thu hoạch kịp thời phục vụ nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu trong bối cảnh giãn cách xã hội.
Theo thông tin tại diễn đàn, hiện 70-80% sản lượng nông sản (rau, quả) của nhiều huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đang được tiêu thụ tại thị trường tự do. Trong số đó, có rất nhiều nông sản đạt tiêu chuẩn về an toàn với đầy đủ các chứng nhận. Bởi vậy khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, rất nhiều sản phẩm OCOP, cùng các nông sản, thực phẩm an toàn khác đã đến thời vụ thu hoạch nhưng bị gián đoạn hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng. Thậm chí có sản phẩm nông sản trước khi dịch bệnh Covid – 19 xảy ra, là dòng sản phẩm được xuất đi các thị trường Châu Âu và Mỹ. Nhưng nay đang bị tồn, ứ hàng nghìn tấn hàng đang cần tìm đầu ra tiêu thụ.
Đây là lý do, Diễn đàn trực tuyến Hà Nội 2021 được tổ chức nhằm kịp thời kết nối các đơn vị sản xuất với các đơn vị phân phối và trực tiếp người tiêu dùng nhằm khắc phục sự gián đoạn, đứt gãy các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng nông sản trên địa bàn thành phố, trong bối cảnh dịch COVID-19.
Diễn đàn có sự tham gia của 18 quận, huyện với 52 chủ thể có sản phẩm OCOP và 75 chủ thể có sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn, đại diện cho chuỗi sản xuất. Cùng với đó là đông đảo các đơn vị phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng trên địa bàn thành phố,… là những người trực tiếp, gián tiếp giúp tiêu thụ sản phẩm. Khắc phục hạn chế về hình thức trực tuyến, diễn đàn thu hút các đại biểu và người tham dự bởi phần mở đầu đầy thú vị đến từ các chủ thể của 18 quận huyện.
Không phải người sản xuất trực tiếp đứng ra marketing sản phẩm của chính mình, mà lần đầu tiên lãnh đạo các địa phương trực tiếp đứng ra quảng bá cho các sản phẩm OCOP, nông sản, thực phẩm an toàn của địa phương mình, với những thông tin chi tiết về quy trình sản xuất, sản lượng của từng sản phẩm cùng với cam kết về chất lượng, chứng nhận sản phẩm, và số điện thoại bán hàng chính thức phục vụ 24/7 cho người tiêu dùng.
Nhãn chín muộn Đại Thành là một câu chuyện đã thu hút sự quan tâm tại Diễn đàn. Trước khi xảy ra đại dịch Covid – 19, sản phẩm Nhãn chín muộn Đại Thành HTX nông nghiệp Đại Thành, huyện Quốc Oai một trong những cây ăn quả đặc sản của Thủ đô, là sản phẩm đã được xuất khẩu thị trường Châu Âu và Mỹ. Đây là giống nhãn được nhân giống từ cây nhãn tổ có tuổi đời 130 năm. Kèm theo kỹ thuật chăm sóc hoàn toàn thủ công và tự nhiên như làm cỏ bằng tay, không có tác động của bất hóa chất nào để làm cho mã quả nhãn chín muộn đẹp lên, hoàn toàn là màu tự nhiên, phụ thuộc vào thời tiết,… Bởi vậy, đây là một vùng nhãn chín muộn khác biệt với tất cả các giống nhãn muộn ở miền Bắc, kể cả trên quê hương của nhãn là tỉnh Hưng Yên.
Năm 2021, được đánh giá là năm được mùa nhãn, tổng sản lượng Nhãn Chín muộn của huyện Quốc Oai đạt 4.000 tấn. Tuy nhiên, thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid 19 đúng vào thời gian thu hoạch Nhãn nên việc kết nối vận chuyển theo thị trường truyền thống hàng năm bị giãn đoạn và tiêu thụ chính tại thị trường tự do, chưa có hợp đồng ký kết tiêu thụ sản phẩm.
Mặc dù đã được Sở Công thương Hà Nội; Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội và các sở nghành, tổ chức đoàn thể các Quận, huyện, thị xã hỗ trợ tiêu thụ. Nhưng đến nay vẫn có 2.000 tấn chưa thu hoạch và đang gặp khó trong tiêu thụ, giá thấp và có thể không tiêu thụ được.
Nhãn chín muộn Đại Thành là một trong hàng chục sản phẩm được mang đến diễn đàn đều đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Việc bán các mặt hàng này trên các kênh thương mại điện tử còn hạn chế. Chưa có sự kết nối với các hệ thống bản lẻ chuyên nghiệp. Các sản phẩm chủ yếu được bán qua bán buôn cho thương lái, chợ đầu mối.
Bởi vậy, việc các đơn vị doanh nghiệp, các nhà phân phối kết nối ký kết hợp đồng tiêu thụ theo tiêu chuẩn chất lượng để nông dân yên tâm sản xuất là việc làm cần thiết và lâu dài. Từ đó giúp nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm; thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp Thủ đô, xây dựng nông thôn mới, thực hiện hiệu quả Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, Chương trình có ý nghĩa thiết thực trong thực hiện Kế hoạch số 181/KH-UBND ngày 7/8/2021 của UBND thành phố Hà Nội về đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm và cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội về phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), các dữ liệu của toàn bộ 32 tỉnh thành phía Bắc về chuỗi nông sản an toàn, về sản lượng, nhu cầu thực tế và mức độ tiêu dùng của người dân của từng địa phương đã được đồng bộ hoá để chuẩn bị cho những kịch bản khác nhau. Ví dụ như vấn đề tự cung tự cấp của Hà Nội một ngày, một tháng là bao nhiêu, hay từng địa phương của các tỉnh phía Bắc là bao nhiêu. Từ đó, phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước thậm chí là chi viện cho các tỉnh phía Nam.
Chia sẻ tại Diễn đàn, Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam nhận định, tất cả các sản phẩm đều đủ điều kiện tham gia các kênh bán lẻ hiện đại. Tuy nhiên, theo bà, để tham gia các kênh bán lẻ hiện đại thì ngoài việc phải tuân thủ các điều kiện chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá thành sản phẩm, mỗi sản phẩm phải định vị cho mình sự khác biệt với các sản phẩm cùng loại trong ngành. Có như vậy mới chinh phục được phân khúc khách hành của mình.
Diễn đàn là hoạt động tiếp nối chuỗi các hoạt động thiết thực, bao gồm: tập huấn kỹ năng tiếp thị và bán hàng trên môi trường số “Tập huấn online”; hoạt động truyền thông, tiếp thị “Ngày hội Livestream”; và hoạt động xúc tiến thương mại thí điểm mô hình “Chợ Đêm trên Mây”, nhằm giúp các chủ thể sản xuất chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, tiếp thị, quảng bá tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp...
Đặc biệt, "Diễn đàn trực tuyến Hà Nội 2021 - Kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn" được diễn ra trên nền tảng Zoom trực tuyến và được phát trực tiếp trên Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC Now và Chuyên trang Hội nhập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển - https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/ đã thu hút đông đảo khách hàng thăm quan trải nghiệm mua sắm. Sự kiện trên đã được lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển đánh giá cao về ý nghĩa thực tiễn trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, giúp các chủ thể tiêu thụ nông sản và góp phần kịp thời cung cấp lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ và Chỉ thị 17 của UBND TP. Hà Nội.
Hoặc