Theo ông Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Việt Nam và Liên minh Châu Âu thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1990. Sau hơn 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam và EU đã có những bước phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng và chiều sâu; vững chắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, cũng như giáo dục, khoa học công nghệ....
Việt Nam hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi, phù hợp với các động lực của EU và là một trong những lựa chọn hàng đầu của EU trong phát triển quan hệ với ASEAN và Đông Á. Quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU liên tục phát triển tốt đẹp trong hơn 30 năm qua: Kim ngạch thương mại song phương đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng, thương mại hàng hóa tăng hơn 4 lần, thương mại dịch vụ tăng hơn 2 lần; trong 6 tháng đầu năm 2024, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (chỉ sau Hoa Kỳ), là nhà đầu tư hàng đầu, có mặt trong mọi lĩnh vực kinh tế quan trọng của Việt Nam.
Về hợp tác phát triển, các nước EU đã dành cho Việt Nam nhiều khoản viện trợ ODA, trong đó phần lớn là viện trợ không hoàn lại để thực hiện nhiều dự án quan trọng về y tế, công nghiệp, nông nghiệp, bảo vệ môi trường, cung cấp nước sạch, hỗ trợ cải cách hành chính, xóa đói giảm nghèo, văn hóa, giáo dục - đào tạo...
Quan hệ thương mại được coi là tiền đề quan trọng thúc đẩy hợp tác chính trị và các hoạt động hợp tác giữa EU và Việt Nam trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Trước khi Hiệp định EVFTA được ký kết, quan hệ Việt Nam - EU vẫn đang trên đà phát triển, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU có xu hướng ngày càng tăng. Tính đến tháng 8 năm 2024, EU là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN.
Đại diện cho doanh nhân Cộng hòa Pháp tham dự diễn đàn, Ceo -Maurice Benoît cho biết sau 4 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực (01/8/2020 - 01/8/2024), tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng lên và Việt Nam trở thành quốc gia có thị phần lớn nhất so với các nước trong khu vực ASEAN xuất khẩu vào EU. EVFTA giúp nhiều nhà nhập khẩu EU biết tới các nhà cung ứng Việt Nam hơn. Những ưu đãi cắt giảm thuế quan theo EVFTA cũng góp phần đáng kể giúp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị phần tại EU; đồng thời được tiếp cận nguồn hàng hóa chất lượng cao của EU.
Về hợp tác đầu tư với cam kết mạnh mẽ bảo đảm tính minh bạch, thông thoáng, thuận lợi trong môi trường kinh doanh đầu tư, Việt Nam đã tiếp nhận được nguồn đầu tư chất lượng cao từ EU với những dự án có công nghệ tiên tiến, tạo ra những giá trị và lợi ích chung cho cộng đồng doanh nghiệp hai Bên.
Đồng thời, Hiệp định EVFTA đã thúc đẩy, tạo động lực để các nhà đầu tư EU tiếp cận và mở rộng đầu tư ở Việt Nam, góp phần đưa EU lên vị trí thứ 6 trong số các nhà đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam với 2,450 dự án, tổng số vốn đầu tư hơn 28 tỷ euro. Trong bối cảnh xu thế FDI toàn cầu suy giảm, EU vẫn tin tưởng vào tiềm năng của Việt Nam và đầu tư hơn 800 triệu euro vào Việt Nam trong năm 2023. Hà Lan, Pháp, Luxembough, Đức, Đan Mạch, Bỉ lần lượt là 6 nhà đầu tư hàng đầu của EU vào Việt Nam.
Với sự hoàn thiện các thể chế, chính sách và tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA cùng các quy định có liên quan, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến ưu tiên của các nhà đầu tư tiềm năng đến từ EU.
Chính vì vậy, Diễn đàn Kinh tế - Văn hóa Việt Nam-EU 2024 được kỳ vọng sẽ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia, doanh nghiệp EU về phát triển xanh và bền vững, những vấn đề, cơ hội và thách thức mà Việt Nam đang gặp phải. Từ đó giúp tăng cường hơn nữa sự hiểu biết, mối quan hệ trên nhiều lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục giữa EU và Việt Nam, hướng tới việc hoàn thiện một nền kinh tế xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - EU 2024 tập hợp các nhà hoạch định chính sách, học giả, doanh nhân Việt Nam và EU để cùng trao đổi, thảo luận cách thức thúc đẩy mối quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai khu vực.
Diễn đàn được kỳ vọng sẽ mở ra những hợp tác mới trong các lĩnh vực như văn hóa, kinh tế của các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp, tổ chức phát triển, của EU, hướng tới giải quyết các vấn đề lớn về phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam và các quốc gia EU.
Những nội dung được trao đổi tại diễn đàn gồm: Tìm hiểu mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và châu Âu trong bối cảnh toàn cầu hóa, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Kết nối các đối tác thương mại, dịch vụ và đầu tư của Việt Nam, và châu Âu. Đánh giá thực trạng và tìm giải pháp tháo gỡ các rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế; cung cấp luận cứ khoa học, giải pháp chính sách, tài chính, kỹ thuật và xã hội hướng tới mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam, châu Âu.
Tại diễn đàn Ban tổ chức cũng đã trao chứng nhận và kỷ niệm chương cho các doanh nhân, doanh nghiệp đến từ Việt Nam và Cộng hòa Pháp nhằm ghi nhận sự lỗ lực, cống hiến cho sự phát triển chung của quan hệ hai bên.
Hoặc