Không chọn lối đi an toàn, nhiều sinh viên đã mạnh dạn đưa vào đồ án các chất liệu lạ, kỹ thuật mới và thông điệp sâu sắc, tạo nên những thiết kế đột phá vừa giàu tính nghệ thuật, vừa phản ánh những vấn đề xã hội, văn hóa đương đại.
Tư duy khác biệt là nền tảng của sáng tạo đích thực
Trong hành trình sáng tạo, sự táo bạo luôn là con dao hai lưỡi. Nhưng với các sinh viên K15, đặc biệt là những gương mặt tiêu biểu như Nhật Lam, Hải Ninh, Thu Hiền hay Phương Thảo, lựa chọn đi “ngược số đông” không phải là sự liều lĩnh nhất thời mà là kết quả của tư duy thiết kế chủ động, mang tính phản biện và dấn thân.
Các đề án tại lễ bảo vệ năm nay cho thấy sự chuyển biến rõ rệt về định nghĩa “thời trang tốt nghiệp”. Tại đây là không gian để các nhà thiết kế trẻ nói lên tiếng nói cá nhân, kể câu chuyện của riêng mình qua trang phục.

Dù lấy cảm hứng từ đời sống lao động, chiến tranh, thiên nhiên hay người phụ nữ Việt, các BST đều thể hiện sự tìm tòi và cá tính riêng từ ý tưởng đến kỹ thuật. Không giới hạn ở chất liệu vải truyền thống, sinh viên mạnh dạn ứng dụng vật liệu tái chế, in 3D, nhuộm thủ công, khắc, in chuyển nhiệt… để tạo nên ngôn ngữ tạo hình mới mẻ.
IAM - Nghề “đồng nát” trở thành nghệ thuật trình diễn
Nhật Lam, sinh viên K15 ngành KTTT chọn cho mình một đề tài gây bất ngờ: “nghề đồng nát” trong đô thị. Bộ sưu tập mang tên IAM là sự tôn vinh những phận người lặng lẽ trong đời sống thành thị, là cách để Nhật Lam đặt câu hỏi về giá trị của con người trong xã hội hiện đại.

Dưới bàn tay sáng tạo, hình ảnh sắt vụn, nhôm phế liệu, lưới kim loại... được tái cấu trúc thành các bố cục thời trang có tính trình diễn mạnh mẽ. Những đường cắt mạnh, chất liệu thô ráp, cấu trúc bất đối xứng tạo nên cảm giác vừa dữ dội, vừa đầy chất đời.
Lam chia sẻ: “Em muốn biến những điều bị coi là rác thành thứ có giá trị. Để thấy rằng, cái đẹp không đến từ vị trí xã hội, mà đến từ cách ta nhìn và thấu hiểu nó”.
“Là Một” - Khi lịch sử không chỉ được kể lại…
Lấy cảm hứng từ thời điểm lịch sử thiêng liêng của dân tộc, khi xe tăng 390 tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, Nguyễn Hải Ninh đã biến khoảnh khắc ấy thành ngôn ngữ thời trang thông qua BST Là Một.

Dù là sinh viên năm cuối, Hải Ninh đã thể hiện tư duy thẩm mỹ trưởng thành qua việc sử dụng biểu tượng xe tăng, màu xanh quân đội, kỹ thuật ngụy trang cùng các chi tiết như in 3D, thêu, đính kết. Kết cấu trang phục mang hơi thở chiến đấu, gợi nhắc tinh thần quả cảm và niềm tự hào dân tộc.
“Em muốn đưa lịch sử đến gần với giới trẻ, không bằng sách vở, mà bằng cảm xúc và thị giác. Khi một bạn trẻ mặc thiết kế này, họ không chỉ mặc trang phục, mà mặc cả một thời khắc thiêng liêng”.

“Mộc Mị” - Khúc trầm lặng của thiên nhiên và con người
Nguyễn Thu Hiền, với BST Mộc Mị, mang khán giả đến với vùng đất Tà Xùa, nơi “biển mây” chạm tới lòng người. Nhưng thay vì chỉ khai thác yếu tố thiên nhiên như một phông nền thị giác, Hiền đã lồng ghép hành trình trưởng thành của con người vào từng thiết kế.

Từng lớp vải mờ ảo, hiệu ứng xử lý bề mặt thủ công gợi sương mù, đường cắt mềm mại như những con đường uốn lượn giữa rừng. Mỗi thiết kế là một chặng đường vượt qua hoang mang, lạc lối để tìm thấy chính mình, như cách Thu Hiền ví hành trình đến với thời trang là hành trình vào rừng.

“Thạch Lan” - Vẻ đẹp kiêu hãnh mọc lên từ đá
BST Thạch Lan của Nguyễn Thị Phương Thảo là lời tri ân dành cho người phụ nữ Việt Nam. Lấy cảm hứng từ loài hoa lan mọc giữa đá, Thảo tạo nên những thiết kế vừa mong manh vừa bản lĩnh.


Các chi tiết cắt xẻ, bố cục chồng lớp, hiệu ứng ánh kim và sắc màu là ngôn ngữ hình ảnh gợi liên tưởng đến sự đối lập giữa dịu dàng và mạnh mẽ, giữa mềm mại và gai góc.
Phương Thảo chia sẻ: “Em mong người mặc cảm thấy được tôn vinh trong chính sự khác biệt của mình. Phụ nữ không cần giống ai, chỉ cần dám sống thật và dám nở hoa”.
Từ góc nhìn chuyên môn
Hội đồng chấm đồ án tốt nghiệp đã nhận định: “Các đồ án có tính sáng tạo cao năm nay cho thấy sự phát triển mạnh mẽ về tư duy thiết kế. Điều quan trọng không phải chỉ là khác biệt, mà là khác biệt có định hướng, vừa thẩm mỹ, vừa ứng dụng được”.
Sự phá cách trong thời trang sinh viên không còn dừng ở kỹ thuật hay hình thức, mà là một tuyên ngôn học thuật. Hội đồng cũng đặc biệt đánh giá cao khả năng dung hòa giữa kỹ thuật thủ công và công nghệ mới, giữa yếu tố văn hóa truyền thống và ngôn ngữ hiện đại trong các BST.
Trong một thế giới thời trang luôn vận động và thay đổi từng ngày, các nhà thiết kế trẻ cần hơn cả kỹ thuật, đó là bản lĩnh. Bản lĩnh để dám khác, dám sai và dám sửa. Các sinh viên K15 đã chứng minh rằng: sự khác biệt còn là cách để xác lập cái tôi nghề nghiệp, mở rộng biên giới của cái đẹp và gợi mở những câu chuyện mới cho thời trang Việt.
Hoặc