Ca khúc “Đất nước” mỗi khi được cất lên như những khúc bi tráng, ngợi ca hình tượng mẹ Việt Nam linh thiêng bất tử, mang trong mình dòng máu “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của những Bà Trưng, Bà Triệu...Mà trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, mỗi khi Tổ quốc cần, họ không chỉ sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình, mà còn nén đau thương để lần lượt tiễn đưa những người con yêu thương nhất cuộc đời mình ra mặt trận xả thân vì nghĩa lớn.
Chỉ tính riêng qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trong thế kỷ XX, cả nước có khoảng 140.000 bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng, những người không chỉ có một người, 2 người, 3 người, mà thậm chí có Mẹ phải 9 lần tiễn con, 2 lần tiễn cháu và 1 lần tiễn cháu rể ra mặt trận mà vĩnh viễn không có ngày đoàn tụ trở về như mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam. Quảng Nam cũng được biết đến là địa phương hiện có nhiều Mẹ Việt Nam Anh Hùng nhiều nhất cả nước với gần 15.000 mẹ. Để ghi danh công lao to lớn của các bà mẹ Việt Nam anh hùng, năm 2004 lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam đã đề xuất ý tưởng vận động xây dựng Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu bà Nguyễn Thị Thứ. Ngày nay, công trình văn hoá quốc gia này đã trở thành một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ cả nước.
Trong những ngày tháng 7 lịch sử này, Thượng tá, NSƯT Hương Giang - Giảng viên Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội cùng hàng trăm doanh nhân cả nước về Quảng Nam dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, tri ân tặng quà cho các mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách có công với cách mạng nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023).
Đặc biệt vào đêm Chung kết Hoa hậu Doanh nhân Châu Á 2023, NSƯT Hương Giang đã lựa chọn thể hiện ca khúc “Đất Nước” và “Quảng Nam Yêu Thương” được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quảng Nam và tiếp sóng nhiều địa phương để thay lời tri ân sâu sắc của thế hệ trẻ hôm nay gửi tới các Mẹ Việt Nam Anh Hùng, các gia đình chính sách có công với cách mạng.
Chia sẻ về cảm xúc khi vinh dự được thể hiện hai ca khúc tri ân trong dịp này, NSƯT Hương Giang cho biết: “Ca khúc Đất Nước là lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, chân phương mà cũng rất đỗi thiết tha, mãnh liệt đối với các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau phải thấm đẫm đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc. Những ca từ trong ca khúc đã làm thổn thức bao trái tim của những người con đất Việt mỗi khi nhớ về mẹ, nhớ về quê hương, nhớ về đất nước rất đỗi thiêng liêng, tự hào. Ca khúc này thực sự rất xúc động khi được cất lên giữa mảnh đất thấm đẫm bao chiến công oai hùng của các thế hệ cha anh, nhưng cũng như ghi nhận sự hy sinh vô bờ bến của quân và dân đất Quảng anh hùng cùng cả nước làm nên một thời “Máu và Hoa”, chủ nghĩa anh hùng bất khuất sáng ngời trong thời đại Hồ Chí Minh...”.
Giọng ca trữ tình Soprano Xứ Nghệ cũng cho biết thêm, ca khúc “Đất Nước” được nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn, là bản tình ca được viết cho giọng Nam cao (Tenor) để thể hiện sự hào sảng, âm vực sáng mang tính chất ngợi ca hào hùng. Ca khúc “Đất nước” sau khi ra đời đã được nhiều nam ca sĩ thể hiện thành công như: NSƯT Ngọc Tân, NSƯT Quang Lý, ca sĩ Trọng Tấn...Nhưng với giọng Nữ cao (Soprano) như chị thì việc thể hiện ca khúc này sẽ là một thách thức không nhỏ trong quá trình xử lý tác phẩm sao cho diễn đạt đúng tinh thần của tác phẩm để cảm xúc được thăng hoa chạm tới trái tim người nghe. Với kinh nghiệm biểu diễn nhiều năm, chị đã khéo léo vận dụng kỹ thuật thanh nhạc hàn lâm vào xử lý ca khúc trữ tình cách mạng giàu ý nghĩa này.
Theo đó, NSƯT Hương Giang đã đồng điệu với mạch nguồn cảm xúc từ lời thơ dung dị mà khúc triết, giai điệu mượt mà sâu lắng đã khắc họa hình ảnh đất nước trong những điều bình dị nhất như “giọt đàn bầu”, “giọng ca dao”, “câu hò”, “tiếng sáo”, “tiếng mẹ ru con”, “”lũy tre làng, “bãi dâu”, “bến nước”…rất đỗi hiền hòa và bình dị. Nhưng những điều bình dị ấy lại vô cùng lớn lao, nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc để qua đó ta mới thấy được sự hy sinh thầm lặng mà cao cả của người mẹ, để giữ cho đất nước trường tồn mãi mãi:
“Đất nước tôi
Từ thuở còn nằm nôi
Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa
Lao xao trưa hè một giọng ca dao
Xin hát về người đất nước ơi
Xin hát về mẹ Tổ quốc ơi
Mấy mùa không ngủ
Ngăn bước quân thù, phía Nam, phía Bắc
Vai mẹ lại gầy gánh gao nuôi con
Xin hát về người, đất nước ơi
Xin hát về mẹ Tổ quốc ơi
Tảo tần chung thủy
Như những câu hò lắng trong tiếng sáo
Đêm lạnh dặt dìu tiếng mẹ ru con”.
Ca khúc giúp chúng ta thêm tự hào về người mẹ Tổ quốc vĩ đại, thiêng liêng, tình cảm sâu đậm gần gũi thân thuộc với bao tâm hồn mỗi người con Đất Việt:
“Xin hát về người đất nước ơi
Xin hát về mẹ Tổ quốc ơi
Vẫn còn gian khổ
Hạt thóc chia đều dẫu no dẫu đói
Ta bạn vẹn tình đắng ngọt cùng vui”.
Với ca khúc này, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã chia thành 3 đoạn, đoạn 1 là những lời tự sự sâu lắng, giai điệu trầm ấm dẫn dắt người nghe đến câu chuyện về người mẹ. Đoạn hai phát triển lên cao trào với giai điệu đi lên và ngân dài ở nốt cao, vẫn nhịp điệu sáu tám (6/8), phần âm nhạc dìu dặt khắc hoạ về hình tượng người mẹ Tổ quốc luôn tảo tần hi sinh không quản gian khó, giai điệu được nhắc lại nhiều lần gợi cho người nghe thấm từng cung bậc cảm xúc.
Ca khúc Đất Nước - Khúc Tráng Ca về mẹ, về Tổ quốc linh thiêng được kết thúc với những điệp khúc để “Đất nước tôi, Đất nước tôi…” còn vang vọng mãi như khắc vào ngàn năm tượng đài những người đã làm rạng danh đất nước: Đó là mẹ, là các anh và tất cả những ai đang ngày đêm lặng thầm cống hiến cho quê hương đất nước mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững:
“Đất nước tôi, Đất nước tôi, Đất nước tôi
Sáng ngời muôn thuở
Khi trăng đã vào cửa sổ đòi thơ”.
Nhà giáo Vũ Dũng sau khi nghe bản phối mới ca khúc “Đất Nước” do NSƯT Hương Giang trình bày nhân Ngày Thương binh Liệt sĩ năm nay đã xúc động chia sẻ: “Giọng ca vàng Xứ Nghệ - NSƯT Hương Giang đã thể hiện ca khúc Đất Nước thật xúc động, vừa da diết sâu lắng, vừa hào sảng trữ tình, đầy kiêu hãnh tự hào về người mẹ Việt Nam nhân hậu, bao dung sẵn sàng chịu đựng những mất mát, hi sinh cho Tổ quốc thân yêu trường tồn bất diệt”.
Hoặc