Lúc học Thạc sĩ Việt Nam học, trong môn Ngoại giao Văn hoá Việt Nam, tôi được học: nếu Việt Nam không có chính sách ngoại giao cây tre, có lẽ chẳng còn đất nước nào tên là Việt Nam để chúng ta yêu thương nữa.

Cha ông ta đã đi qua những thời đoạn thăng trầm mà chỉ cần một bước sai, là mất tất cả.

img-1841-1743985804.jpeg
Cuộc điện đàm lịch sử giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ.

Hãy nhớ lại năm 1285, khi Thoát Hoan dẫn đại quân Nguyên-Mông tràn vào nước ta. Nhà Trần không cố thủ tử chiến ngay từ đầu. Các vua, các tướng chủ động rút lui, bảo toàn lực lượng, vừa đánh vừa lùi. Có người chê là nhát, là chạy. Nhưng chính nhờ thế mà Trần Quốc Tuấn mới có thể tổ chức trận Vạn Kiếp, rồi Bạch Đằng giang, đánh tan giặc bằng thế trận hiểm hóc, bằng trí tuệ của người đi sau nhưng biết lượng sức mình.

Đến thời Lê – Nguyễn, khi phương Tây đến gõ cửa, Việt Nam chọn cách vừa giao thiệp, vừa dè chừng. Khi Pháp đánh, ta thua vì chênh lệch vũ khí, nhưng chưa bao giờ chịu khuất phục. Từ Cần Vương đến phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, đến cả một thế kỷ đầy máu và nước mắt – vẫn là cây tre Việt, không gãy.

Và rồi là cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Mỹ mạnh không? Quá mạnh. Không ai phủ nhận.
Nhưng Việt Nam có điều Mỹ không có: đó là lòng dân, là ý chí, là bản lĩnh không khuất phục. Và cả một chính sách ngoại giao cực kỳ linh hoạt giữa hai phe trong chiến tranh lạnh, tranh thủ từng cơ hội nhỏ nhất để giành lợi thế cho mình.

Ai cũng nhớ về chiến thắng 1975. Nhưng ít người nhắc rằng: để có được ngày ấy, Việt Nam đã đàm phán dai dẳng suốt 5 năm tại Hội nghị Paris, chịu đựng cả bom đạn lẫn áp lực ngoại giao không ai tưởng tượng nổi. Madam Bình đã nói: Người Mỹ có thể đưa người lên mặt Trăng và quay về an toàn, còn sang Việt Nam, chúng tôi thì không chắc! 

Rồi đến thời bao cấp – đói nghèo bủa vây, đất nước đứng trước nguy cơ tụt hậu vĩnh viễn. Lúc ấy, chỉ một cái gật đầu sai, một chính sách sai, là có thể khiến hàng triệu người thêm khổ.

Nhưng rồi có Đổi Mới 1986. Một cú rẽ lớn, vừa can đảm, vừa khôn ngoan. Không vội vàng vứt bỏ tất cả, không dẫm lên chính mình, mà từ từ tháo gỡ từng nút thắt. Nhờ thế mà Việt Nam hôm nay mới có cơ hội ngẩng đầu bước ra thế giới.

Lịch sử không phải để kể cho vui. Mà để chúng ta hiểu: dân tộc này chưa bao giờ yếu hèn. Nhưng dân tộc này cũng không ngoo ngốc. Biết mình là ai. Biết mình đang đứng giữa bàn cờ lớn, giữa những con voi đang dậm chân hai bên.

Cho nên, khi Trung Quốc lấn chiếm Trường Sa– ta phản đối, nhưng không dại gì mà lao đầu đánh trực diện, khác nào trứng chọi đá.

Khi Mỹ siết kinh tế – ta đáp trả, nhưng vẫn giữ cho mối quan hệ không sụp đổ.

Đó không phải là yếu. Đó là sống sót – để có ngày vươn lên mạnh hơn.

Thời nay khác thời nhà Trần, khác những năm chống Mỹ mới cách đây mấy chục năm thôi các bác ơi. Các bác cứ hô hào AI, sử dụng công nghệ, rồi 4 chấm 5 chấm… các loại sao không hình dung vũ khí thời nay tối tân thế nào? Chỉ 1 nút ấn của vũ khí công nghệ cao thì ta sẽ ra sao?

Không chơi với “nó” nữa? Chỉ một lệnh cấm vận thôi, cả đất nước có thể quay lại thời bao cấp, lùi lại vài chục năm như CuBa ấy. Những năm tháng đói khổ của thập niên 80, những gian khó ấy– bạn và tôi đã từng sống qua chưa?

Trên đời này có 2 điều vĩnh viễn không bao giờ thay đổi. Đó là bố mẹ ta và nơi ta sinh ra.
Chúng ta đâu có quyền lựa chọn là sinh ra ở một quốc gia mạnh. Nhưng ta có thể lựa chọn cách sống sao cho khôn ngoan – và tử tế.

Tôi thấy lạ, khi thấy có người cười cợt chính sách mềm mỏng của đất nước.

Lạ hơn, vì thấy người ta hả hê khi dân tộc mình bị dồn ép, rồi quay sang trách móc lãnh đạo – như thể họ chỉ ngồi đó mà không làm gì.  

Nhưng các bạn có nhận ra không?

Từ ngày Bác Tô Lâm tiếp nối Bác Trọng, nhiều người thấy đất nước bắt đầu thay đổi mạnh mẽ. Những điều mà trước đây còn dè dặt, nay đã được nói thẳng, làm thật. Thủ tướng tuyên bố sẵn sàng cho chiến tranh thương mại – đó không phải lời nói suông. Đó là dấu hiệu cho thấy ta đã chuẩn bị, đã tính toán, đã trưởng thành hơn rất nhiều.

Tôi không tô hồng hiện thực. Tôi biết đất nước mình vẫn còn bất cập. Nhưng tôi cũng biết: 

Không có ai yêu tôi như bố mẹ tôi
Không đất nước nào yêu tôi như Việt Nam.
Không ai nuôi tôi lớn bằng hạt gạo trồng từ mảnh đất nghèo này.
Không quốc ca nào khiến tôi rơi nước mắt như khi đứng giữa trời Âu nghe bài Tiến Quân Ca vang lên.

Tôi yêu đất nước tôi, không phải vì nó hoàn hảo.

Tôi yêu
Vì nơi đây là gốc rễ của tôi
Vì nơi này là nhà- là quê hương- là nơi có mồ mả tổ tiên tôi, có người thân tôi, có cả tương lai tôi gửi gắm. 
Là nơi ông cha bố mẹ tôi gánh gồng, là nơi con tôi sẽ lớn lên và biết tự hào về nguồn cội.

Tôi không phải anh hùng. Nhưng nếu có thể làm điều gì nhỏ bé để góp phần cho đất nước – tôi sẽ làm, bằng tất cả trái tim.

Và tôi mong, bạn cũng vậy.
Mỗi người là một ngọn nến – thì cả dân tộc sẽ không bao giờ chìm trong bóng tối.

Tôi chỉ là một người bình thường, chẳng đại diện cho thế hệ hay cho tổ chức nào; nhưng nếu mỗi người bình thường như tôi, bạn, và hàng triệu người khác cùng giữ một trái tim yêu nước – thì dân tộc này sẽ chẳng bao giờ gục ngã.